Vai trò Hoàng_hậu

Trung Quốc

Trong truyền thống Đông Á nói chung và ở Trung Quốc nói riêng, Hoàng hậu được tôn kính bậc nhất chỉ sau Hoàng đế, mặc dù hầu hết quốc gia Châu Á không cho Hoàng hậu tham gia chính trị.

Việc sắc lập Hoàng hậu đối với các triều đình Đông Á và cả các quốc gia Tây phương đều được xem là chuyện quốc gia đại sự. Do lẽ đó, việc phế truất một Hoàng hậu cũng can dự đến ảnh hưởng chính trị, đặc biệt là sự tồn vong của ngoại thích. Trên nguyên tắc, Hoàng đế là người thống trị tối cao của một Đế quốc, mà Hoàng hậu là đứng đầu hậu cung, do vậy địa vị hoàn toàn khác với phi tần.

Hoàng Hậu ở lễ nghi cùng Hoàng đế bình đẳng, ra cùng xe, nhập cùng tòa. Vào thời nhà Hán, đơn vị phục vụ Hoàng hậu gọi là Hoàng hậu Tam khanh (皇后三卿), phụ trách quản lý hậu cung, lý luận với Hoàng đế số lượng Tần ngự. Hậu cung có bao nhiêu Nữ quan, Cung nữ đều dưới quyền quản lý của Hoàng hậu. Bên cạnh công việc hậu cung, Hoàng hậu cũng quản lý các vấn đề trong Phủ của các Hoàng tử, do đó cũng nhận được triều kiến của các Hoàng tử phi, hoặc Mệnh phụ phu nhân bên ngoài triều. Nhiều triều đại quen lấy Hoàng hậu là tấm gương, gọi là 「Phụ nữ phong phạm đích Biểu suất; 婦女風範的表率」

Các vị Hoàng tử do Hoàng hậu sinh ra được gọi là Đích tử (嫡子), thân phận cao quý hơn các Hoàng tử của phi tần và cũng là ứng cử viên sáng giá cho ngôi vị Hoàng thái tử của Hoàng đế. Các Hoàng nữ do Hoàng hậu sinh cũng là Đích công chúa (嫡公主), được hưởng của hồi môn và quy tắc thông thường đều hơn các Hoàng nữ là con gái của phi tần. Hoàng hậu còn là [Hoàng đích mẫu; 皇嫡母] của những người con do các vị phi tần khác sinh. Do Hoàng hậu là Đích mẫu của tất cả Hoàng tử và Hoàng nữ nên tất cả con của Hoàng đế đều gọi Hoàng hậu là Mẫu hậu (母后), gọi sinh mẫu là Mẫu phi (母妃) hoặc Mẫu thân (母親). Thời nhà Thanh, con của Hoàng đế gọi Hoàng hậu tức Đích mẫu là Hoàng ngạch nương (皇額捏), còn sinh mẫu chỉ được gọi Ngạch nương (額捏).

Riêng Đích tử hoặc Đích công chúa do Hoàng hậu sinh thì gọi các phi tần khác là Nương nương (捏捏), Thứ mẫu (庶母), hoặc gọi theo phong hiệu của vị phi tần. Cũng có trường hợp Hoàng đế khi lên ngôi gọi một số phi tần của Tiên đế là "Mẫu phi", như Ung Chính Đế gọi Nghi phi là Nghi phi mẫu phi, hoặc Càn Long Đế gọi Thuần Khác Hoàng quý phi là Dụ Quý phi mẫu phi, Gia Khánh Đế gọi Uyển Quý phi là Uyển Thái phi mẫu phi (Xem chi tiết ở bài Hậu cung nhà Thanh).

Việt Nam

Trong lịch sử Việt Nam, danh hiệu Hoàng hậu chỉ chính thức ghi chép từ thời nhà Đinh. Sau 3 triều Đinh - Tiền Lê - Lý đều lập nhiều Hoàng hậu, thì nhà Trầnnhà Hậu Lê về sau chỉ lập duy nhất một Hoàng hậu tại vị.

Triều đại nhà Nguyễn, phỏng theo lệ thời Lê Sơ, rất ít khi quyết định lập Hoàng hậu, cao nhất chỉ là Hoàng quý phi. Tuy nhiên, nhà Nguyễn cũng có Hoàng hậu sắc phong khi còn sống, đó là trường hợp của 3 vị: Thừa Thiên Cao Hoàng hậu Tống thị, Lệ Thiên Anh hoàng hậu Vũ thị và Nam Phương hoàng hậu Nguyễn Hữu thị, cả ba đều được phong danh vị Hoàng hậu khi còn sống. Đặc biệt là Lệ Thiên Anh hoàng hậu, bà là nguyên phối của Tự Đức Đế, được di chiếu tôn làm Hoàng hậu, Hiệp Hòa kế vị đã theo di chiếu, cộng gọi nơi ở (khi ấy bà đang ở Khiêm lăng) nên gọi là 「Khiêm Hoàng hậu; 謙皇后」. Bà trở thành Hoàng hậu đặc biệt, khi được tấn phong Hoàng hậu dù chồng đã qua đời.

Ngoài ra tại Việt Nam, một số vị nữ thần cũng được dân gian tôn phong hoặc triều đình sắc phong với danh hiệu Hoàng hậu.

Nhật Bản

Quân chủ của Hoàng gia Nhật Bản tự xưng Thiên hoàng, vợ của Thiên hoàng là Hoàng hậu (Kōgō; こうごう).

Từ thời Heian, danh vị Hoàng hậu đôi khi còn gọi là Trung cung (Chūgū; 中宮; ちゅうぐう), vì Thiên hoàng Murakami lập Nữ ngự Fujiwara no Anshi (藤原安子; Đằng Nguyên An Tử) làm Trung cung, đồng vị với Hoàng hậu. Về sau, Thiên hoàng Ichijō bị Fujiwara no Michinaga ép buộc, khai sinh ra 「Nhất Đế nhị Hậu; 一帝二后」, liền đem Trung cung tách ra khỏi Hoàng hậu thành một danh vị riêng biệt, trở thành một danh vị ngang bằng với Hoàng hậu, tạo nên hiện trạng Thiên hoàng có thể có hai chính phối. Theo đó thành lệ, các vị Thiên hoàng thường lập nguyên phối làm Trung cung trước, nếu về sau vị chính phối thứ hai được lập, thì đem vị Trung cung đã lập từ trước chính thức sách lập làm Hoàng hậu, và lập vị chính phối thứ hai làm Trung cung.

Từ trung kỳ thời Heian đến Thời kỳ Kamakura, danh hiệu Hoàng hậu trở thành một loại vinh hàm, thỉnh thoảng dùng để phong cấp cho các Cô mẫu cùng các Chuẩn mẫu của Thiên hoàng hoặc các Nội thân vương chưa lập gia đình. Đó là từ cổ ngôn trong hoàng thất Nhật Bản: 「非天皇配偶或血親者也可宣下為后; "Phi Thiên hoàng phối ngẫu hoặc huyết thân giả dã khả Tuyên hạ vi Hậu"」, có nghĩa là dẫu trên thực tế không phải thê tử của Thiên hoàng vẫn có khả năng tôn xưng làm Hoàng hậu. Nếu chỉ là tôn xưng, thì người được tôn xưng không cần phải thực hiện chức trách của một Hoàng hậu, mà chỉ hưởng đãi ngộ và quyền lực của Hoàng hậu hoặc Trung cung mà thôi. Khi đó, Thiên hoàng Horikawa băng ngự khi mới 29 tuổi, kế vị là Thiên hoàng Toba, còn quá nhỏ tuổi (mới 4 tuổi), vì vậy trong huấn mệnh của Thiên hoàng Shirakawa, đã mệnh lệnh Lệnh Tử Nội thân vương (令子內親王) làm Hoàng hậu. Từ đó, Hoàng thất Nhật Bản khai sinh ra thời kì Hoàng hậu với Thiên hoàng có thể không phải vợ chồng mà là cô cháu, chị em hoặc anh em. Đó gọi là chế độ 「Hoàng hậu cung; 皇后宮」

Do vấn đề tiền tài cho việc sắc lập Hoàng hậu lẫn Trung cung, từ Thời kỳ Muromachi trở về sau thì Thiên hoàng hầu như không lập Hoàng hậu và Trung cung nữa. Đến thời Edo, con gái của Tokugawa HidetadaTokugawa Masako (徳川和子; Đức Xuyên Hòa Tử) trở thành vợ của Thiên hoàng Go-Mizunoo, vì để duy trì thể diện nên Mạc phủ Edo tăng tiền cung cấp phí sinh hoạt cho triều đình, đã có thể sắc lập Tokugawa Masako làm Hoàng hậu. Dù vậy, hoàng gia Nhật Bản thời Edo vẫn duy trì truyền thống chỉ lập Nữ ngự (女御; にょうご) là vị trí tôn quý nhất, nguyên nhân chính vẫn là do vấn đề kinh tế hoàng gia.

Hàn Quốc

Trong lịch sử Hàn Quốc, nhà Cao Lynhà Triều Tiên không xưng Hoàng đế, nên các chính thê chỉ là Vương hậu hoặc Vương phi.

Thời Triều Tiên, hậu cung của Quốc vương được gọi là Nội mệnh phụ. Đứng đầu Nội mệnh phụ là Vương phi, hay được giản xưng gọi là Trung điện. Sau khi qua đời, các Vương phi sẽ được truy phong thành Vương hậu. Triều Tiên Vương phi đối với quản lý hậu cung có quyền lực rất cao, thậm chí cả Quốc vương lẫn Vương đại phi cũng không thể tự tiện can thiệp công việc của Vương phi, ngay cả việc sắc phong Tần ngự và định huy hiệu cũng là từ Vương phi định ra rồi ban hạ.

Khi Triều Tiên Cao Tông lên ngôi Hoàng đế do chính quyền Nhật Bản bảo hộ, lập nên Đế quốc Đại Hàn. Để ứng với danh vị mới Hoàng đế, Cao Tông đã truy tặng cho người vợ Mẫn phi đã quá cố của ông làm Hoàng hậu, đó là Minh Thành Thái hoàng hậu nổi tiếng trong lịch sử.

Hoàng hậu duy nhất được sắc phong khi còn sống, và cũng là Quốc mẫu cuối cùng của lịch sử Hàn Quốc là Thuần Trinh Hiếu hoàng hậu.

Các quốc gia Châu Âu và Trung Nam Á

Tại Châu Âu, tình trạng Đế quốc tương đối không phổ biến, đáng kể nhất chỉ gồm Đế quốc La Mã, Đế quốc Byzantine, Thánh chế La Mã, Đế quốc Pháp, Đế quốc Áo-Hung, Đế quốc NgaĐế quốc Đức.

Tại các quốc gia này, hôn phối của các [Emperor; Hoàng đế] đều như nhau là [Empress; Hoàng hậu]. Các Hoàng hậu của Đế quốc La Mã có thể được tôn xưng kèm danh vị cao quý của người La Mã, Augusta. Còn các Hoàng hậu của Thánh chế La Mã thường được tôn xưng kèm danh vị [Queen of the Germans; Vương hậu của người Đức], sau là [Queen of the Romans; Vương hậu của người La Mã]; cùng một số tước vị đi kèm của người chồng được bầu cử trở thành Hoàng đế của Thánh chế. Danh vị [Empress] tại các quốc gia này luôn hiện hữu thực tế, không có trường hợp truy phong (tặng tước vị sau khi đã mất) như các quốc gia Đông Á.

Địa vị của các [Empress] trong hoàng thất, cũng tương tự như Vương hậu, đều mang tính tượng trưng và đều như nhau không có thực quyền về chính trị. Tuy vậy, sự ảnh hưởng qua hình ảnh ngoại giao, cũng như địa vị cố vấn cho chồng giúp các [Empress] được tôn kính và vị nể trong triều đình hoàng thất. Khi các [Emperor] vắng mặt hoặc còn quá nhỏ tuổi để trị vì, các [Empress] có quyền tạm quyền, gọi là nhiếp chính. Ví dụ như Maria Leopoldina nước Áo nhiếp chính khi chồng bà là Pedro I của Brasil vắng mặt; Hoàng hậu Eugénie de Montijo cũng từng nhiếp chính khi chồng bà Napoleon III ủy quyền.

Tương tự các quốc gia Châu Âu, các Hoàng hậu của Đế quốc Ottoman cùng Mughal cũng có thể tham gia chính trị thông qua sự ảnh hưởng lên chồng mình. Thể hiện rõ nhất gồm Hurrem Sultan, vợ của Suleiman INur Jahan, vợ của Hoàng đế Jahangir.